Minaco Blog, Tài chính - Kế toán

Phân tích khái quát Báo cáo Tài chính doanh nghiệp

phan tich khai quat bao cao tai chinh doanh nghiep
phan tich khai quat bao cao tai chinh doanh nghiep

Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về phân tích khái quát báo cáo tài chính doanh nghiệp bao gồm các chỉ số tài chính mà chủ thể cần quan tâm và những đánh giá nhận xét ban đầu về quy mô và cấu trúc tài chính doanh nghiệp. 

Phân tích khái quát Báo cáo Tài chính về quy mô tài chính doanh nghiệp 

Khái quát về quy mô là phân tích so sánh theo chiều ngang từ kỳ này đến kỳ trước, theo giá trị của các đối tượng. Cách thức cho phân tích này bao gồm: 

  • Xác định các chỉ tiêu cần phân tích trên báo cáo tài chính
  • So sánh sự biến động về quy mô qua các kỳ kế toán khác nhau (tuyệt đối và tương đối)

Bên cạnh đó, với các thức này, không chỉ được áp dụng cho phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp mà còn được áp dụng tại hầu hết các trường hợp phân tích báo cáo tài chính khác.

Chỉ tiêu phân tích khái quát Báo cáo Tài chính doanh nghiệp

Dựa vào bảng cân đối kế toán

Các chỉ số về tổng tài sản và tổng nguồn vốn sẽ được quan sát tại mã số 270 Tổng tài sản và 400 (hoặc 410) Tổng vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán như hình minh họa sau đây:

Phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp

Thông qua các chỉ số của bảng cân đối kế toán, chúng ta sẽ có những nhận định ban đầu như sau:

Khi nhìn vào hai chỉ tiêu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu sẽ phần nào cho các bạn có một sự yên tâm nhất định về doanh nghiệp. Nếu vốn chủ sở hữu chiếm tỷ lệ phần trăm lớn trong số tổng tài sản, chứng tỏ vấn đề tự chủ tài chính của doanh nghiệp này khá tốt, rủi ro tài chính của doanh nghiệp ít. Ngược lại, nếu Nợ phải trả chiếm tỷ số lớn hơn, chứng tỏ mức độ rủi ro khi đầu tư, kinh doanh sẽ lớn hơn (Tổng tài sản = Vốn chủ sở hữu + Nợ phải trả).

Tuy nhiên, mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau, do đó, cần dựa vào bối cảnh thực tế để đánh giá, nhận định thêm về quy mô của doanh nghiệp, để việc phân tính đánh giá cho ra kết quả chính xác, khách quan nhất. 

Ví dụ: 

  • Đối với các ngành tài chính, ngân hàng đặc điểm của ngành nghề là cho vay, do đó, nếu vốn quá thấp, cần đi vay để cho người khác vay thì rõ ràng công ty cực kỳ rủi ro. 
  • Hay đối với các doanh nghiệp thương mại, đặc điểm kinh doanh là luân chuyển hàng hóa nhanh, thường xuyên có tiền vào và tiền ra, do đó, nếu tỷ lệ vay cao từ 60 -70% thì vẫn trong khoản chấp nhận được 

Bảng phân tích khái quát tình hình tài chính tại công ty ABC thì chúng ta sẽ có các bảng, cột so sánh như sau:

STTChỉ tiêu31/12/N (Tỷ đồng)21/12/N-1(Tỷ đồng)Chênh lệch
Tỷ đồngTỷ lệ (%)
1Tổng tài sản 62.97146.03116.94036,80
2Vốn chủ sở hữu20.37815.4824.89631,62

Quan sát tỷ lệ Tổng tài sản và Vốn chủ sở hữu trên ta có thể thấy, Vốn chủ không quá nhiều, tuy nhiên chưa đến mức báo động. Bên cạnh đó, quy mô của năm nay so với năm trước đều tăng. Tài sản tăng thêm khoảng 36% và Vốn chủ sở hữu tăng 31%. Tuy nhiên, sự tăng quy mô này, chủ yếu đến từ việc tăng nguồn vốn thay vì giảm Nợ phải trả. 

Tìm hiểu thêm: Vì sao bảng cân đối kế toán quan trọng với các doanh nghiệp?

Dựa vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Nếu bảng cân đối kế toán cho chúng ta biết về tình hình tài sản, nguồn vốn tại một thời điểm, thì báo cáo kết quả kinh doanh cho chúng ta biết kết quả kinh doanh trong cùng một kỳ. 

Vậy trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh ta có thể tìm thấy các chỉ tiêu tài chính ở đâu?

Thứ nhất, với tổng doanh thu, thu nhập sẽ bao gồm tổng của ba loại tài khoản Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (mã số 10), doanh thu hoạt động tài chính (mã số 21) và các thu nhập khác (mã số 31)

Phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp

Thứ hai, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) là tổng của lợi nhuận trước thuế (mã số 50) cộng cho chi phí lãi vay (mã số 23).

Tại các doanh nghiệp lớn họ rất quan tâm đến chỉ tiêu EBIT bởi khi họ mở các chi nhánh hoặc các công ty con tại các quốc gia khác nhau, thì tại mỗi quốc gia sẽ có một mức thuế và chính sách thuế khác nhau. Do đó, khi các doanh nghiệp này cần so sánh các lợi nhuận giữa các chi nhánh và công ty con này, nếu chỉ so sánh lợi nhuận sau thuế thì sẽ dẫn đến sự không khách quan.

Phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp

Thứ ba, lợi nhuận sau thuế sẽ được quan sát tại tài khoản mã số 60

Phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp

Ví dụ, từ bảng phân tích khái quát tình hình tài chính tại công ty ABC thì chúng ta sẽ có những kết luận về các chỉ tiêu của bảng Báo cáo kết quả kinh doanh như sau:

STTChỉ tiêu31/12/N (Tỷ đồng)21/12/N-1(Tỷ đồng)Chênh lệch
Tỷ đồngTỷ lệ (%)
3Tổng doanh thu, thu nhập124.301109.38414.91713,64
4Lợi nhuận trước thuế và lãi vay7.1466.0041.14219,02
5Lợi nhuận sau thuế4.9014.23398125,03

Qua kết quả có thể thấy doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế đều tăng so với năm trước (doanh thu tăng 13,64%, EBIT tăng 19,02% và lợi nhuận sau thuế tăng 25,03), chúng ta có thể nhận diện là doanh nghiệp có dấu hiệu tốt. 

Dựa trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Nguyên tắc khi làm kế toán là theo cơ sở dồn tích, tức là doanh thu, thu nhập, chi phí tại thời điểm phát sinh không phụ thuộc là dòng tiền của doanh nghiệp đã chi tiền ra hay thu vào hay chưa. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc dựa trên kết quả kinh doanh thì doanh nghiệp chưa thể kết luận doanh nghiệp có lợi nhuận, đây là lý do chúng ta cần phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ được trình bày theo ba hoạt động: Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh (mã số 20), lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư (mã số 30), lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính (mã số 40). Trong đó, hoạt động kinh doanh là hoạt động chính của doanh nghiệp, do đó, lưu chuyển tiền từ hoạt động này là chỉ tiêu mà các chủ thể cần quan tâm sâu sắc. 

Phân tích quy mô tài chính doanh nghiệp

Tìm hiểu thêm: Định nghĩa và cấu trúc bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ mới nhất 2023

Dòng tiền thuần trong kỳ là tổng của ba dòng lưu chuyển hoạt động kể trên. Với chỉ số này khi phân tích khái quát báo cáo tài chính, nếu chỉ số này là số dương, thì đây sẽ là một tín hiệu tích cực

Ví dụ, từ Bảng phân tích khái quát tình hình tài chính tại công ty ABC thì chúng ta sẽ có những kết luận về các chỉ tiêu của bảng Báo cáo lưu chuyển tiền tệ như sau:

STTChỉ tiêu31/12/N (Tỷ đồng)21/12/N-1(Tỷ đồng)Chênh lệch
Tỷ đồngTỷ lệ (%)
6Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh17110.792-10.621-98,42
7Dòng tiền thuần trong kỳ-3.2064.233-7.439-175,74

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương, đây là một tín hiệu tức cực nhỏ, tuy nhiên so với năm trước giảm đến 98%, tương tự với dòng tiền thuần trong kỳ so với năm trước (dương) thì năm nay lại âm và giảm trên 175%. Từ đó, có thể nhận định tại thời điểm hiện tại doanh nghiệp không có nhiều tiền.

Phân tích khái quát Báo cáo Tài chính về cấu trúc tài chính doanh nghiệp 

Phân tích về cấu trúc là phân tích, so sánh theo chiều dọc, tức là tính theo tỷ trọng của từng chỉ tiêu. Cách thức cho phân tích này bao gồm: 

  • Xác định các chỉ tiêu cần phân tích trên báo cáo tài chính (theo chiều dọc)
  • So sánh sự biến động các chỉ tiêu (số tuyệt đối và tương đối) qua các kỳ khác nhau

Khi so sánh giữa các kỳ kế toán với nhau, nếu chỉ so sánh số tiền (số tuyệt đối) để đưa ra kết luận thì sẽ thiếu tính chính xác, bởi vì khi thu nhận doanh thu thì ta sẽ thu nhận giá vốn nên nếu như doanh thu tăng thì giá vốn tăng, và ngược lại, đây là quy luật hết sức bình thường. 

Do đó, cái doanh nghiệp, các chủ thể cần quan tâm là tỷ trọng giá vốn/doanh thu có bị thay đổi hay không? Hay quy mô vốn của mỗi doanh nghiệp khác nhau, do đó khi so sánh giữa các doanh nghiệp thì không thể chỉ so sánh về số tiền mà chỉ so sánh về tỷ lệ.

Chỉ tiêu phân tích khái quát Báo cáo Tài chính doanh nghiệp

Chỉ tiêu cấu trúc tài sản

Trong chỉ tiêu cấu trúc tài sản, doanh nghiệp và các chủ thể sẽ cần quan tâm đến hai yếu tố hệ số tự tài trợ và hệ số tự tài trợ thường xuyên. 

Thứ nhất là hệ số tự tài trợ, phản ánh năng lực tự chủ về tài chính của doanh nghiệp, càng gần 1 năng lực độc lập về tài chính càng cao. Trong đó, hệ số tự tài trợ và hệ số nợ có mối quan hệ nghịch, hệ số tự tài trợ tăng thì hệ số nợ tăng và ngược lại. 

Hệ số tự tài trợ = Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản = 1 – (Nợ tài sản/Tổng tài sản) = 1 – Hệ số nợ

Tuy nhiên, không có kết cấu nguồn vốn nào là tối ưu mà tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược kinh doanh/chiến lược cạnh tranh/chiến lược tài chính của doanh nghiệp để có sự huy động nguồn tài chính khác nhau. 

Ví dụ, nếu là doanh nghiệp mới, hay đang trong giai đoạn mở rộng đầu tư thì hệ số nợ sẽ lớn, tuy nhiên không nên để lâu dài mà khi doanh nghiệp ổn định , phải điều chỉnh để hệ số nợ giảm dần.  Còn nếu là nhà đầu tư, nên lựa chọn các doanh nghiệp có hệ số tự tài trợ lớn hơn (thường có tỷ lệ là 6-4 so với hệ số nợ để đảm bảo mức độ an toàn trong quá trình đầu tư)

Thứ hai là hệ số tài trợ thường xuyên, đây là hệ số phản ánh mối quan hệ giữa tài sản dài hạn và nguồn vốn dài hạn trong doanh nghiệp. Nếu hệ số tự tài trợ thường xuyên bé hơn 1 thì tức là doanh nghiệp có dùng nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư hình thành tài sản dài hạn chứng tỏ đây là dấu hiệu không tích cực, dùng vốn và đầu tư  sai mục đích, nguyên tắc , rủi ro hơn.

Hệ số tự tài trợ thường xuyên (dài hạn) = Vốn chủ sở hữu + Nợ dài hạn/Tài sản dài hạn 

Vì khi đầu tư tài sản dài hạn, nên đầu tư bằng nguồn vốn dài hạn vốn chủ sở hữu và nợ dài hạn) thay vì nguồn vốn ngắn hạn. Bởi lẽ, các loại tài sản này có thời gian thu hồi vốn trên 1 năm nên không phải muốn thu hồi lại bằng tiền là thu hồi ngay (như bán nhà máy, BĐS). Trong khi các loại vốn ngắn hạn cần phải được thanh toán trong thời gian ngắn hạn, doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng không xoay vốn để chi trả.

Ví dụ, từ Bảng phân tích khái quát tình cấu trúc của doanh nghiệp ABC như sau:

STTChỉ tiêu31/12/N 21/12/N-1Chênh lệch
Số tuyệt đốiTỷ lệ (%)
1Hệ số tự tài trợ 0,260,44-0,1840,91
2Hệ số tự tài trợ thường xuyên1,710,890,8229,13

Từ bảng phân tích trên, ta có thể thấy hệ số tự tài trợ chiếm 0,26; tức là vốn chủ sở hữu chiếm 26%, nợ chiếm 74%, một tỷ lệ chưa thực sự tốt. 

Tuy nhiên, hệ số tự tài trợ thường xuyên là 1,17 >1 có nghĩa vốn dài hạn đủ  để chi trả cho tài sản dài hạn. Do đó, doanh nghiệp không vi phạm trường hợp lấy vốn ngắn để đầu tư cho tài sản dài. Bên cạnh đó, chỉ số này cũng tốt hơn năm ngoái, có thể thấy dấu hiệu doanh nghiệp cũng có phần tốt hơn.

Chỉ tiêu cấu trúc doanh thu, chi phí

Khi đánh giá tỷ trọng giữa các chỉ tiêu trên bảng kết quả kinh doanh, thường lấy mẫu là các khoản doanh thu, thu nhập. Tức là lấy tất cả chỉ tiêu chia cho tổng doanh thu, thu nhập (= Doanh thu thuần + hoạt động tài chính + thu nhập khác) hoặc chỉ chia cho doanh thu thuần (doanh thu từ hoạt động kinh doanh).

Bên cạnh đó, muốn tính tỷ trọng của từng loại chi phí, ta có thể lấy số tiền của chi phí đó chia cho tổng doanh thu, thu nhập, từ đó, cho chúng ta biết từng mục chi phí, chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu, thu nhập và đưa ra các nhận xét, đánh giá. 

Trong chỉ tiêu cấu trúc doanh thu, chi phí; doanh nghiệp và các chủ thể sẽ cần quan tâm đến yếu tố hệ số chi phí. Hệ số chi phí cho biết để thu về 1 đồng doanh thu thì doanh nghiệp phải bỏ ra bao nhiêu đồng chi phí. Hệ số này càng nhỏ thì hiệu quả hoạt động càng cao. Nếu hệ số lớn hơn 1, thì chứng tỏ doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ (lợi nhuận âm)

Hệ số chi phí = Tổng chi phí/Tổng doanh thu, thu nhập

Ví dụ, từ Bảng phân tích khái quát tình cấu trúc của doanh nghiệp ABC như sau:

STTChỉ tiêu31/12/N 21/12/N-1Chênh lệch
Số tuyệt đốiTỷ lệ (%)
3Hệ số chi phí0,820,800,022,5

Dựa trên kết quả trên ta có thể lý giải, để tạo ra 1 đồng doanh thu, thì cần có 0,82 đồng chi phí, hoặc hệ số. 

Chỉ tiêu cấu trúc trúc dòng tiền

Hệ số tạo tiền cho biết bình quân mỗi đồng doanh nghiệp chi ra trong kỳ sẽ thu về bao nhiêu đồng. Hệ số tạo tiền càng cao thì càng tốt, nếu hệ số này <1 tức thu về nhỏ hơn chi ra, thu không đủ để chi dẫn đến thâm hụt cán cân thu chi. 

Hệ số tạo tiền = Tổng dòng tiền thu về/Tổng dòng tiền chỉ ra

Nếu bạn là các kế toán tại công ty, có thể nhìn vào sổ cái của tiền với tài khoản 111, 112 lấy tổng bên Nợ (là chi phí phát sinh tăng = tiền thu)  chia cho tổng bên Có (là chi phí phát sinh giảm = tiền chi). 

Tuy nhiên, nếu bạn là nhà đầu tư, xem báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì chỉ tính được hệ số này nếu công ty đó lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ dạng trực tiếp. Bằng cách  lấy tổng tiền thu vào (không có dấu ngoặc) chia cho tổng tiền thu ra (giá trị âm – có dấu ngoặc) ta sẽ ra được hệ số tạo tiền. 

Phân tích cấu trúc tài chính doanh nghiệp

Mặt khác, trong trường hợp doanh nghiệp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ dạng gián tiếp, thì các nhà đầu tư sẽ chỉ quan sát được tổng tiền thu và chi của hai hoạt động sau là đầu tư và tài chính. 

STTChỉ tiêu31/12/N 21/12/N-1Chênh lệch
Số tuyệt đốiTỷ lệ (%)
4Hệ số tạo tiền1,051,07-0,02-1,87

Dựa trên kết quả trên ta có thể lý giải, để tạo ra 1 đồng tiền chi ra, thì doanh nghiệp thu vào 1,05 đồng.

Nhìn chung, dựa vào các số liệu trong các báo cáo tài chính, chúng ta sẽ tính ra các chênh lệch và tỷ lệ giữa các chu kỳ kế toán, từ đó nhận định khái quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để dự đoán ra xu hướng, các bạn hoàn toàn có thể phân tích, so sánh các giai đoạn dài hơn như 3 năm, 5 năm. Qua so sánh số liệu trong giai đoạn dài, cũng giúp cho các chủ thế đánh giá, nhận xét được mức độ ổn định của doanh nghiệp. 

Như vậy, thông qua nội dung vừa rồi, Minaco đã cùng các bạn đi tìm hiểu qua về Phân tích khái quát Báo cáo Tài chính doanh nghiệp. Minaco mong rằng đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích. 

CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ & TM MINH NAM

Gửi form yêu cầu báo giá: tại đây

Hotline: 0961 53 16 16

Email: info@minaco.vn

Địa chỉ: Số 15A phố Hạ Đình, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

5/5 - (3 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *