Minaco Blog, Tài chính - Kế toán

Cách phân tích báo cáo tài chính về tài sản chi tiết và chính xác

Phan Tich Tinh Hinh Tai San Doanh Nghiep
Phân Tích Báo Cáo Tài Chính - Ứng Dụng Phân Tích Về Tình Hình Tài Sản

Bài viết Phân tích khái quát Báo cáo Tài chính doanh nghiệpđã cung cấp cho chúng ta những kiến thức cơ bản về phân tích báo cáo tài chính. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm một số chỉ tiêu sâu hơn từ báo cáo tài chính, nhằm phục vụ cho việc đưa ra quyết định đầu tư và kinh doanh đúng đắn và chính xác hơn.

Trước tiên hãy cùng Minaco tìm hiểu về tình hình tài sản và tình hình sử dụng tài sản của doanh nghiệp trong bài viết sau đây. 

Phân tích Báo cáo Tài chính về tài sản – tình hình tài sản

Bản chất của quá trình Phân tích tài sản của doanh nghiệp là chúng ta đang phân tích sâu hơn về quy mô và cấu trúc của doanh nghiệp với những chỉ tiêu nhỏ hơn. Cơ sở cho việc phân tích này sẽ dựa trên cơ sở bảng cân đối kế toán với hai loại phân tích, bao gồm: 

  • Phân tích về quy mô, sự biến động tài sản (Phân tích theo chiều ngang – so sánh, đối chiếu một chỉ tiêu giữa các kỳ kế toán khác nhau) 
  • Phân tích cấu trúc tài sản, tức phân tích tỷ trọng của từng chỉ tiêu và về biến động về cơ cấu tài sản (Phân tích theo chiều dọc) 
Công Thức Tính Tỷ Trọng Từng Chỉ Tiêu Tài Sản

Trên cơ sở phân tích đó, trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một số khoản mục (tài khoản) tài sản thường gặp trong bảng cân đối kế toán và tác động của các khoản mục này đến tình hình tài sản cũng như tình hình sử dụng tài sản. 

Tài Khoản Tài Sản Thường Gặp - Phân Tích Tình Hình Tài Sản Doanh Nghiệp

Tài khoản Tiền và các khoản tương đương tiền

Tiền và các khoản tương đương tiền là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Bên cạnh đó, tiền và các khoản tương đương tiền ảnh hưởng đến khả năng ứng phó của doanh nghiệp với các khoản nợ đến hạn. Vì trong các khoản mục tài sản, chúng có tính thanh khoản cao nhất; do đó, khi có các khoản nợ đến hạn thì điều đầu tiên doanh nghiệp nghĩ đến là thanh toán bằng tiền. 

Tài khoản Các khoản đầu tư tài chính

Các khoản đầu tư tài chính là việc sử dụng tiền nhàn rỗi để mua các tài sản tài chính nhằm mục đích sinh lời như chứng khoán, bất động sản, vàng,… Khi nhìn vào khoản mục này, chúng ta sẽ doanh nghiệp đã phân bổ vốn vào các lĩnh vực này như thế nào? Nhiều hay ít? Chiều hướng biến động tăng hay giảm? 

Tùy vào từng ngành ta sẽ có mức phân bố tiền vào các khoản mục đầu tư tài chính khác nhau. Tuy nhiên, các khoản mục đầu tư này cũng cần có tỷ lệ phân bố hợp lý so với các khoản mục từ hoạt động kinh doanh, bởi lẽ đây mới là hoạt động chính của các doanh nghiệp. 

Tài khoản Các khoản phải thu

Các khoản phải thu trong tài sản của bảng cân đối kế toán là những khoản nợ mà doanh nghiệp đang có quyền đòi của người khác. Khoản mục này thể hiện mức độ vốn của doanh nghiệp bị chiếm dụng nhiều hay ít? Tăng hay giảm? Trình độ quản trị công nợ phải thu của doanh nghiệp như thế nào? 

Hiện nay trong kinh doanh, thì việc mua bán chậm thanh toán diễn ra thường xuyên; do đó, hầu hết các doanh nghiệp đều tồn tại khoản mục phải thu và điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm ở đây là khoản mục này nắm giữ tỷ trọng bao nhiêu trong cơ cấu tài sản. 

Tài khoản Hàng tồn kho

Hàng tồn kho là một tài sản lưu động của doanh nghiệp, bao gồm các sản phẩm, vật liệu, phụ tùng, hàng hóa,… mà doanh nghiệp dự định bán, sử dụng trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng nội bộ.

Trong đó, đây là một tài sản quan trọng của doanh nghiệp, có ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hàng tồn kho quá lớn có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn, giảm khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu quá nhỏ có thể dẫn đến tình trạng thiếu hàng, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng kịp thời, nhanh chóng. 

Bên cạnh đó, để phân tích số lượng hàng tồn kho nào là phù hợp thì cần có sự liên kết đến đặc điểm tính chất ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, trong các doanh nghiệp sản xuất thì hàng tồn kho sẽ có số lượng nhiều hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.  

Tài khoản Tài sản cố định

Tài sản cố định là loại tài sản có giá trị lớn, có thời gian sử dụng lâu dài (trên một năm) và được sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản cố định được chia thành hai loại là tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình. Tài sản cố định cho thấy năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ đầu tư cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, tương tự như các khoản mục khác, cần xem xét kỹ ngành kinh doanh của doanh nghiệp là gì? Bên cạnh đó, để đưa ra những nhận định chính xác, cần xem xét trong bản thuyết minh báo cáo tài chính để phân tích khoản mục tài sản cố định bao gồm những gì? Có tài sản thế chấp ngân hàng không? 

Phân tích Báo cáo Tài chính về tình hình sử dụng tài sản

Bản chất là phân tích tình hình sử dụng tài sản (hay hiệu quả sử dụng tài sản) là việc phân tích, đánh giá, nhận xét về việc quy mô, cấu trúc đã phân tích ở trên thì có đem lại lợi ích cho đơn vị, doanh nghiệp không?

Trong trường hợp phân tích này, bên cạnh bảng cân đối kế toán, thì chúng ta cần sử dụng kết hợp với một số khoản mục trong Bảng báo cáo kết quả hoạt động. Chúng ta sẽ có một số chỉ tiêu phân tích tài sản chung, tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn như sau: 

Chỉ Tiêu Phân Tích Tình Hình Sử Dụng Tài Sản

Chỉ tiêu phân tích tình hình sử dụng tài sản chung – Chỉ tiêu số vòng quay tài sản

Chỉ tiêu số vòng quay tài sản là một chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản của một doanh nghiệp. Chỉ số này cho biết doanh nghiệp tạo ra được bao nhiêu doanh thu từ mỗi đồng tài sản mà họ đầu tư. Hay có thể nói chỉ tiêu vòng quay tài sản thể hiện sự vận động của tài sản nhanh hay chậm với công thức:

Số vòng quay tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản

Dựa theo công thức, nếu số vòng quay tài sản càng cao thì càng cho thấy sự vận động của tài sản càng nhanh, đồng nghĩa việc sử dụng tài sản của công ty các họa động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả, lợi ích kinh tế tạo ra được càng lớn và ngược lại 

Chỉ tiêu phân tích tình hình sử dụng tài sản ngắn hạn 

  • Số vòng quay tài sản ngắn hạn: 

Số vòng quay tài sản ngắn hạn là một chỉ số tài chính dùng để đo lường hiệu suất sử dụng tài sản ngắn hạn của một doanh nghiệp. Nó đo lường số lần mà tài sản ngắn hạn được chuyển đổi thành tiền mặt hoặc tiêu thụ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trong vòng một năm. Công thức tính số vòng quay tài sản ngắn hạn như sau:

Số vòng quay tài sản ngắn hạn = Doanh thu thuần / Tổng tài sản ngắn hạn

Trong đó doanh thu thuần được lấy từ bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (tại mục tài khoản mã số 10). Với chỉ tiêu Số vòng quay tài sản ngắn hạn sẽ có ý nghĩa tương tự với Chỉ tiêu số vòng quay tài sản. Chúng phản ánh tài sản ngắn hạn trong kỳ của doanh nghiệp quay được mấy vòng, số vòng quay tài sản ngắn hạn càng lớn, chứng tỏ tốc độ luân chuyển vốn lưu động càng nhanh và ngược lại. 

  • Số vòng quay hàng tồn kho 

Số vòng quay hàng tồn kho là một chỉ số tài chính được sử dụng để đo lường số lần mà hàng tồn kho được bán hết và được thay thế trong một khoảng thời gian nhất định, thường là trong vòng một năm. Công thức tính số vòng quay hàng tồn kho như sau:

Số vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán (DT thuần) / Giá trị hàng tồn kho bình quân 

Trong đó, giá trị hàng tồn kho bình quân là trung bình cộng của giá trị hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.

Hàng tồn kho trong kỳ là một trong những chỉ tiêu quan trọng được nhiều chủ thể kinh tế quan tâm, bởi lẽ nó có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Một kỳ kế toán quay được càng nhiều vòng quay hàng tồn kho thì chứng tỏ doanh nghiệp bán hàng tốt, bán được nhiều hàng và ít xảy ra tình trạng ứ đọng. 

  • Thời gian quay vòng hàng tồn kho (ngày) 

Nếu chỉ tiêu Số vòng quay hàng tồn kho cho chúng ta biết về số vòng quay hàng tồn kho trong một kỳ thì Chỉ số Thời gian quay vòng hàng tồn kho cho chúng ta biết thời gian thực hiện mỗi vòng quay đó là bao nhiêu (mất bao nhiêu thời gian). Công thức tính thời gian quay vòng hàng tồn kho như sau: 

Thời gian quay vòng hàng tồn kho = [Giá trị hàng tồn kho bình quân/ Giá vốn hàng bán (DT thuần)] x số ngày trong năm 

Thời gian quay vòng hàng tồn kho có ý nghĩa tỷ lệ thuận với số vòng quay hàng tồn kho, thời gian quay vòng hàng tồn kho giảm thì số vòng quay hàng tồn kho tăng và ngược lại. Trong đó, doanh nghiệp cần dự tính số lượng hàng tồn kho hợp lý; bởi lẽ, thời gian quay vòng hàng tồn kho quá thấp cũng không tốt chứng tỏ lượng hàng dự trữ không nhiều); nếu quá cao sẽ dẫn đến ra tăng các chi phí bảo quản, chi phí tài chính,…làm giảm khả năng sinh lời và tăng tổn thất tài chính cho doanh nghiệp. 

  • Số vòng thu hồi khoản phải thu của khách hàng (hệ số thu hồi nợ) 

Thực tế, các doanh nghiệp khi hoạt động trên thị trường luôn luôn muốn chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp khác, do đó bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng có tài khoản thu của khách hàng. Do đó, việc xem xét, đánh giá, điều chỉnh chỉ số số vòng thu hồi khoản phải thu của khách hàng (hệ số thu hồi nợ) là vô cùng quan trọng, giúp doanh nghiệp phân tích hiệu quả quản lý vốn lưu động thông qua việc đo lường số lần doanh nghiệp thu hồi nợ của khách hàng trong một kỳ kế toán.

Số vòng thu hồi khoản phải thu của khách hàng =   Doanh thu thuần/Khoản phải thu của KH ngắn hạn 

Nếu hệ số thu hồi nợ giảm tức tốc độ luân chuyển vốn trong thanh toán chậm, doanh nghiệp đang bị chiếm dụng vốn lâu hơn và sẽ dẫn đến việc tăng các rủi ro tài chính. Doanh nghiệp cần xem xét quá trình quản trị công nợ và chính sách thu hồi vốn của doanh nghiệp để không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. 

  • Thời gian thu hồi khoản phải thu của khách hàng 

Trương tự với với hàng tồn kho, Thời gian thu hồi khoản phải thu của khách hàng cũng là một trong những chỉ tiêu quan trong, cho biết kỳ thu tiền bình quân của doanh nghiệp là bao nhiêu ngày.

Thời gian thu hồi khoản phải thu của KH = [Khoản phải thu của KH (ngắn hạn)/Doanh thu thuần] x số ngày trong năm

Nếu kỳ thu tiền bình quân lớn hơn thời gian thu tiền doanh nghiệp xác định thì nhìn chung khách hàng không thanh toán đúng hạn và khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính và doanh nghiệp có thể gặp phải rủi ro không thể thu hồi nợ. 

Tuy nhiên, hiện nay các nhà cung cấp bên cạnh cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm, thì thời gian cho mua nợ cũng là được nhiều khách hàng quan tâm và đề cao khi lựa chọn nhà cung cấp. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc và xem xét thời gian một cách hợp lý để vừa thu hút khách hàng, vừa không đưa doanh nghiệp vào tình thế bất lợi. 

Chỉ tiêu phân tích tình hình sử dụng tài sản dài hạn- Số vòng quay tài sản dài hạn

Chỉ tiêu Số vòng quay tài sản dài hạn thể hiện cường độ sử dụng tài sản dài hạn, cho biết một đồng tài sản dài hạn của doanh nghiệp sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu. Công thức tính tỉ số này như sau:

Số vòng quay tài sản dài hạn = Doanh thu thuần/ Tổng tài sản dài hạn

Trong đó, tùy thuộc vào tính chất doanh nghiệp để đánh giá mức độ cao thấp của tỷ số này, ví dụ đối với các doanh nghiệp thương mại, do giá trị Tài sản cố định thường không lớn nên tỷ số này thường hơn so với các doanh nghiệp sản xuất.

Như vậy, thông qua nội dung vừa rồi, Minaco đã cùng các bạn đi tìm hiểu qua về các khoản mục tài sản và các chỉ tiêu quan trọng cần quan tâm trong quá trình Phân tích Báo cáo Tài chính – ứng dụng phân tích tình hình tài sản. Minaco mong rằng đã đem lại cho bạn những thông tin hữu ích. 

CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ & TM MINH NAM

Gửi form yêu cầu báo giá: tại đây

Hotline: 0961 53 16 16

Email: info@minaco.vn

Địa chỉ: Số 15A phố Hạ Đình, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *