Minaco Blog, Tài chính - Kế toán

Nghiệp vụ kế toán hạch toán tăng nguyên vật liệu, CCDC, thành phẩm

Nghiệp Vụ Kế Toán Hạch Toán Tăng Nguyên Vật Liệu, Ccdc, Thành Phẩm

Các bạn đã biết làm thế nào để hạch toán khi tăng nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm trong doanh nghiệp chưa? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về nghiệp vụ kế toán này ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Hạch toán tăng nguyên vật liệu, CCDC, thành phẩm

Tài khoản sử dụng

Để hạch toán nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm trong doanh nghiệp thì chúng ta sẽ sử dụng các tài khoản sau:

  • Tài khoản 152: Nguyên liệu, vật liệu
  • Tài khoản 153: Công cụ, dụng cụ
  • Tài khoản 155: Thành phẩm

Đây là 3 tài khoản tài sản nên có kết cấu tài khoản chung như sau:

Bên NợBên Có
Dư đầu kỳ: Giá trị tồn đầu kỳ thể hiện toàn bộ các giá trị tồn cuối kỳ trước chuyển sang 
Phát sinh tăng: Tăng do mua sắm, tự sản xuất, được cấp phát, nhận góp,…Phát sinh giảm: Giảm do đưa vào sản xuất, xuất bán, hỏng, cho, biếu, tặng…
Dư cuối kỳ: Giá trị tồn cuối kỳ 

Các loại tài khoản tài sản, đặc biệt là với tài khoản liên quan đến kho như 152, 153, 155 thì không bao giờ có giá trị dư cuối kỳ ở bên Có. Nếu có dư cuối kỳ bên Có thì có nghĩa là đang xảy ra tình trạng âm kho. Khi đó các bạn cần kiểm tra lại các số liệu đã hạch toán trong kỳ. Có một số nguyên nhân dẫn đến âm kho là: quên không lấy hóa đơn mua hàng để hạch toán hoặc hạch toán sai mã.

Nghiệp Vụ Kế Toán Hạch Toán Tăng Nguyên Vật Liệu, Ccdc, Thành Phẩm
Nghiệp Vụ Kế Toán Hạch Toán Tăng Nguyên Vật Liệu, Ccdc, Thành Phẩm

Xem thêm: Hướng dẫn cách hạch toán nhập kho nguyên vật liệu với tài khoản 152

Các trường hợp tăng nguyên vật liệu, CCDC, thành phẩm

Các trường hợp dẫn đến tăng nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm bao gồm:

Tăng do tự sản xuất nhập kho hay thuê ngoài gia công

Tất cả các chi phí để tự sản xuất nhập kho hay thuê ngoài gia công thì trong quá trình sản xuất kế toán sẽ tập hợp và định khoản vào TK154 (Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang). Khi đã hoàn thành việc sản xuất thì kết chuyển từ TK154 và định khoản như sau:

  • Nợ TK152, TK153, TK155
  • Có TK154

Số liệu mà chúng ta hạch toán là giá trị thực tế nhập kho.

Tăng do mua ngoài

Khi doanh nghiệp mua ngoài các tài sản như nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, thành phẩm thì phải có hóa đơn, chứng từ để hạch toán. 

Trường hợp 1: Hàng về cùng hóa đơn

Khi hạch toán tăng do mua ngoài, nếu hàng về cùng hóa đơn thì chúng ta định khoản như sau:

  • Nợ TK152, TK153, TK156: Giá trị ghi trên hóa đơn chưa gồm thuế.
  • Nợ TK133: Thuế GTGT được khấu trừ.
  • Có TK11, TK112, TK141: Nếu đã thanh toán bằng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền tạm ứng.
  • Có TK331: Nếu chưa trả người bán.

Trường hợp 2: Hàng về hóa đơn chưa về

Khi hạch toán tăng do mua ngoài, nếu hàng về nhưng không kèm hóa đơn thì chúng ta định khoản như sau:

  • Nợ TK152, TK153, TK156
  • Có TK331

Số liệu chúng ta dùng để hạch toán sẽ là số tiền phải trả cho người bán theo giá tạm tính. Sau khi có hóa đơn về thì kế toán sẽ điều chỉnh bẳng 3 cách sau:

  • Cách 1: Xóa giá tạm tính bằng bút đỏ, rồi ghi lại giá trị theo giá thực tế. Cách này bây giờ ít sử dụng vì bây giờ ít doanh nghiệp còn sử dụng phương pháp ghi sổ mà sẽ hạch toán trên máy tính.
  • Cách 2: Ghi số chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế.
  • Cách 3: Dùng bút toán đảo ngược để xóa bút toán đã ghi sau đó ghi lại bút toán đúng như bình thường.

Ba cách làm trên là thực hiện theo nguyên lý kế toán, nhưng trong công việc thực tế thì chúng ta có một cách làm đơn giản hơn là: Vào ngày nhập kho các bạn hạch toán Nợ TK152, TK153, TK156, Có TK331. Ngày trên hóa đơn có thể sẽ sau ngày trên phiếu nhập kho, khi đó các bạn chỉ cần định khoản phần VAT Nợ TK133, Có TK331.

Xem thêm: Cách hạch toán mua nguyên liệu và lập bảng nhập kho nguyên liệu

Trường hợp 3: Hóa đơn về, hàng chưa về

Tuy trường hợp này khá hiếm thấy vì hàng hóa không có hóa đơn thì có thể bị cơ quan quản lý thị trường tịch thu hàng hóa nên ít có doanh nghiệp nào xuất hàng hóa đi lưu thông mà không kèm hóa đơn. Tuy nhiên, nếu có gặp tình huống này thì các bạn hạch toán như sau:

  • Nợ TK151: Theo giá ghi trên hóa đơn chưa gồm thuế.
  • Nợ TK144: Thuế GTGT được khấu trừ.
  • Có TK111, TK112, TK141, TK331: Số tiền đã thanh toán hoặc chưa trả người bán.

Sau khi hàng về thì kế toán ghi như sau:

  • Nợ TK152, TK153: Nếu nhập kho số hàng đó.
  • Nợ TK621, TK627, TK641, TK642: Nếu chuyển giao trực tiếp cho bộ phận sử dụng không qua kho.
  • Có TK151: Giá trị số hàng mua đang đi đường.

Trường hợp 4: Hàng thừa so với hóa đơn

Nếu nhập kho toàn bộ số hàng kể cả số thừa thì hạch toán như sau:

  • Nợ TK152, TK153: Giá mua thực tế của toàn bộ số hàng kể cả số thừa.
  • Nợ TK133: Thuế GTGT được khấu trừ theo hóa đơn.
  • Có TK331: Giá thực tế thành toán theo hóa đơn.
  • Có TK3381: Trị giá số hàng thừa chưa có thuế.

Căn cứ vào quyết định xử lý nếu trả lại số hàng thừa cho người bán thì hạch toán trị giá số hàng thừa chưa gồm thuế trả lại cho người bán:

  • Nợ TK3381
  • Có TK152, 153.

Nếu chấp nhận mua lại số hàng thừa so với hóa đơn thì yêu cầu xuất hóa đơn bổ sung rồi hạch toán như sau:

  • Nợ TK3381: Trị giá số hàng thừa chưa thuế
  • Nợ TK133: Nếu lúc nhập chưa hạch toán.
  • Có TK331: Số tiền còn phải trả cho người bán

Các trường hợp thừa không rõ nguyên nhân như được tặng kèm thêm sản phẩm thì hạch toán Nợ TK3381, Có TK711 ghi nhận số hàng thừa làm tăng thu nhập khác.

Trên đây là cách xử lý theo nguyên lý kế toán, còn trong thực tế công việc thì bạn có thể liên hệ ngay với bên bán để trả lại hàng thừa, còn bạn chỉ việc hạch toán như bình thường với số hàng đúng như công ty bạn đã đặt là được.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách hạch toán mua hàng nhập khẩu

Một số trường hợp tăng do nguyên nhân khác

Tăng do thu hồi gửi bán

Hạch toán Nợ TK155 (Sản phẩm nhập kho), Có TK157 (Số hàng gửi bán không bán được).

Tăng do nhận góp vốn thành viên

Nợ TK152, TK153, TK155: Giá trị thực tế của hàng nhập góp vốn; Có TK411: Ghi tăng nguồn vốn kinh doanh.

Tăng do nhận viện trợ

Nợ TK152, 152, 155: Giá trị thực tế của hàng nhận viện trợ; Có TK711: Ghi tăng thu nhập khác.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết lập Phiếu nhập kho theo Thông tư 133 trên Excel

Kết luận

Hy vọng bài viết của chúng mình có thể giúp các bạn nắm rõ về cách hạch toán tăng nguyên vật liệu, CCDC, thành phẩm để làm việc hiệu quả hơn. Các bạn nhớ theo dõi Minaco Blog thường xuyên để cập nhật thêm các kiến thức thú vị khác nhé.

2/5 - (1 bình chọn)
author-avatar

About Vietnam Minaco

Minaco Vietnam là tài khoản Digital của Minaco nơi chúng tôi cung cấp đến bạn và thế giới những thông tin hữu ích về kinh nghiệm văn phòng, kinh nghiệm vật tư và các thông tin cập nhật về "ngôi nhà Minaco"

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *