Giải trí - Du lịch, Minaco Blog

Các ngày tết âm lịch trong năm tại Việt Nam – phần 1

Tet Nguyen Dan Tet Am Lich

Người Việt Nam rất trân trọng các ngày Tết đặc biệt là các ngày Tết Âm Lịch truyền thống bởi đây không chỉ là thời gian nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mà còn là thời điểm để hội ngộ, quây quần bên người thân, gia đình và bạn bè. Tuy vậy, chắc hẳn không ít người đến nay vẫn chưa thể biết hay thuộc các ngày Tết Âm Lịch trong năm, hãy cùng Minaco điểm qua dưới đây nhé:

Tết Nguyên Đán – 1 tháng giêng

Tết Nguyên Đán (tại Việt Nam còn có tên gọi khác như Tết Cả,Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Tết Nguyên Đán – Tết Âm Lịch

Tại Việt Nam, đây được coi là Tết lớn nhất và quan trọng nhất trong năm được tượng trưng cho việc kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới với niềm hy vọng về hạnh phúc và may mắn.

Các Tục Lễ trong Tết Nguyên Đán

Trong thời gian đón Tết Nguyên Đán, người Việt Nam ta cũng có rất nhiều tục lệ để kết thúc năm cũ, đón chào năm mới. Tùy từng vùng miền, khu vực có thể có khác biệt về tên gọi và cách thức chuẩn bị, tuy nhiên, về cơ bản có thể điểm qua một số tục lệ như sau:

Đưa ông Táo về trời ( Cúng Táo Quân – 23 tháng Chạp)

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo: thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc – định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là “Tết ông Công”, lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời (ngày nay nhiều người chuộng dòng cá chép đỏ nhằm hướng đến mang lại may mắn cho cả năm).

Lễ Cúng Ông Công Ông Táo - 23 Tháng Chạp
Lễ cúng ông Công ông Táo – 23 tháng Chạp

Ngoài ra người Việt Nam còn quan niệm vào ngày 23 tháng Chạp Táo Quân lên trời báo cáo những sự kiện trong năm với Ngọc Hoàng Thượng. Vì thế, lễ tiễn ông Công ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng hay những điều chưa hay, thiếu may mắn sẽ được “Giơ cao đánh khẽ” giúp cho năm tới mọi việc suôn sẻ, tốt đẹp.

Cúng Tất Niên (29 hoặc 30 tháng Chạp)

Tất niên hay cúng tất niênlễ tất niêntiệc tất niên là một nghi thức để đánh dấu việc kết thúc năm cũ, chuẩn bị cho năm mới sắp sang. Tất niên có thể được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu) được gọi là ngày tất niên – gia chủ sẽ bày lễ, cúng mâm cơm tiên tổ và sau đó cùng quây quần với gia đình bên những câu chuyện năm cũ và những mong ước cho năm mới.

Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng, việc cúng tất niên có thể được gia chủ mời thêm bạn bè và người thân đến dự.

Lễ Cúng Tất Niên
Lễ cúng tất niên

Lễ cúng tất niên có thể được tổ chức tại gia đình hoặc khu vực chung như Đình làng hay tổ chức tại các công ty cuối năm trước khi bắt đầu thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán.

Đón giao thừa

Giao thừa hay Đêm giao thừa, Giao thời được tính vào thời điểm 0 giờ 0 phút 0 giây khi chuyển từ 30 tháng Chạp (hoặc 29 tháng Chạp với năm thiếu) qua ngày mùng 1 tháng Giêng. Đây là thời điểm mà cả gia đình sẽ cùng quây quần chúc nhau những điều tốt đẹp cho năm mới.

Bắn Pháo Hoa Đêm Giao Thừa
Bắn pháo hoa đêm Giao thừa

Đây cũng là thời điểm trong năm được tổ chức bắn Pháo hoa trên cả nước và tổ chức những buổi lễ đón giao thừa cộng đồng (hay còn gọi là Countdown)

Xông đất đầu năm

Xông đất (hay đạp đấtmở hàng) là tục lệ đã có lâu đời với quan điểm nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn vào ngày này thì gia chủ cả năm cũng sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người xông đất được tính là người đầu tiên bước qua cửa nhà sau thời khắc Giao thừa. Bởi vậy, từ cuối năm trước, gia chủ thường tính toán và để ý những người thân hoặc hàng xóm, bạn bè vui vẻ, linh hoạt, đạo đức cũng như hợp tuổi vời gia chủ để “nhờ xông đất” với mong muốn cho năm mới thuận lợi và vui vẻ như

Cách chọn tuổi xông đất theo can tuổi gia chủ:

  1. Tuổi Giáp hạp với Kỷ mà kỵ với Canh – Mậu.
  2. Tuổi Ất hạp với Canh mà kỵ với Tân – Kỷ.
  3. Tuổi Bính hạp với Tân mà kỵ với Nhâm – Canh.
  4. Tuổi Đinh hạp với Nhâm mà kỵ với Quý – Tân.
  5. Tuổi Mậu hạp với Quý mà kỵ với Giáp – Nhâm.
  6. Tuổi Kỷ hạp với Giáp mà kỵ với Ất – Quý.
  7. Tuổi Canh hạp với Ất mà kỵ với Bính – Giáp.
  8. Tuổi Tân hạp với Bính mà kỵ với Đinh – Ất.
  9. Tuổi Nhâm hạp với Đinh mà kỵ với Mậu – Bính.
  10. Tuổi Quý hạp với Mậu mà kỵ với Kỷ – Đinh.

Xuất hành – Hái lộc đầu năm

Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm, trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần…

Tại miền Bắc, nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục Hái lộc. Cành lộc sẽ được lựa chọn từ những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa là chốn linh thiêng, quanh năm hưởng lộc Thần, Phật mang theo mong ước xin chút lộc cho năm mới thịnh vượng hơn. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.

Tuy nhiên việc hái lộc ngày nay đã có những quan niệm trái chiều so với trước đó là:

  • Việc hái lộc không nên vì có thể có những cành lộc có “vong” (linh hồn) bám theo. Khi chúng ta hái lộc về vô tình sẽ mang “vong” về theo, nếu “vong” tốt thì không sao nhưng nếu “vong” xấu thì có thể làm cho nhà cửa chúng ta không may mắn. Đây là vấn đề mang tinh duy tâm, tuy nhiên nó cũng có cái lý của nó.
  • Việc hái lộc đôi khi gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường do số lượng người “Hái lộc” quá đông hoặc việc lựa chọn những cành lộc cho ưng ý.
  • Việc hái lộc đôi khi gây nên những tranh chấp không đáng có như “Hái trộm lộc” hay tranh cướp nhau làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này.

Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi và có thể đoán được năm mới hên hay xui chẳng hạn:

  • Gió Nam: chỉ đại hạn;
  • Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc;
  • Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả;
  • Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải;
  • Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu;
  • Gió Đông: chỉ có lụt lớn

Chúc Tết – Mừng tuổi năm mới

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc Tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là tăng thêm một tuổi).

Mừng Tuổi Năm Mới
Mừng tuổi năm mới

Tuy nhiên hiện nay theo cuộc sống phát triển, nhiều gia đình không có điều kiện về “ăn Tết” theo tộc, theo họ vì vậy tục Chúc Tết năm mới dần dần được biến đổi một phần và được gộp chung với tục Thăm viếng đầu năm họ hàng, người thân, bạn bè và hàng xóm – làng giềng tuy vậy tất cả đều hướng đến mục đích chúc nhau năm mới, tuổi mới thuận lợi, may mắn

Lễ hóa vàng

Ngày mồng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, người Việt làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiền nhân về cõi âm có thêm tiền vốn đầu năm, đặng phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt. Tại nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, người Việt có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia.

Tục Lệ Hóa Vàng
Tục lệ hóa vàng

Tục hóa vàng ngày mồng 4 hoặc mồng 5, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới vô hình bên kia sống gần với dương gian. Vào ngày mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt.

Tết Nguyên Tiêu – 15 tháng giêng

Tết Nguyên Tiêu hay còn được gọi là Tết Thượng NguyênRằm Tháng Giêng được tổ chức từ đêm 14 tháng Giêng đến đêm 15 tháng Giêng với mục đích “Rước trăng rằm” trong ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Ngày này còn được coi là ngày vía Phật tổ, bởi vậy vào Tết Nguyên Tiêu, rất nhiều gia đình lựa chọn đi Lễ, Chùa bởi niềm tin đây là ngày Đức Phật giáng thế.

Thả Đèn Tết Nguyên Tiêu
Thả đèn Tết Nguyên Tiêu

Tại một số nơi, do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, Tết Nguyên Tiêu còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng” nơi mọi người thả những ngọn đèn giấy trên sông hoặc bay lên trời để cầu mong những điều may mắn sẽ đến trong năm mới.

Tết Hàn Thực – 3 tháng 3 Âm lịch

Tết Hàn Thực
Tết Hàn Thực

Tết Hàn Thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch. “Hàn Thực” nghĩa là “thức ăn lạnh”. Vào ngày này, các gia đình thường kiêng nấu nướng (nổi lửa) mà chuẩn bị mâm cơm lễ, bánh trôi, bánh chay để thắp hương từ hôm trước và sử dụng vào hôm sau (ăn đồ lạnh).

Tết thanh minh – khoảng 6 tháng 3 – 20 tháng 3 âm lịch

Tết Thanh Minh thường không có ngày cố định, bắt đầu vào khoảng sau khi kết thúc Tiết Xuân Phân và kết thúc khi bắt đầu Tiết Cốc Vũ. Tết Thanh Minh hay Tiết Thanh Minh đôi khi bị nhầm với Tết Hàn Thực nhưng quả thực thì đây là 2 dịp riêng biệt, có ý nghĩa riêng.

Mặc dù Tết Thanh Minh và Tết Hàn Thực có những năm bị trùng ngày với nhau, tuy nhiên, 2 ngày này thực chất có ý nghĩa và nguồn gốc hoàn toàn khác nhau. Tết Thanh Minh là ngày đầu trong tiết thanh minh, là 1 trong 24 tiết khí mỗi năm, kéo dài khoảng 15 – 16 ngày, từ ngày 4 – 5/4 cho đến ngày 20 – 21/4 hàng năm. Trong khi đó, Tết Hàn Thực kéo dài từ 3/3 – 5/3 Âm lịch hàng năm.

theo TS.KTS Vũ Thế Khanh

Phong tục trong Tết Thanh Minh

Lễ là Tảo Mộ

Vào ngày này, người Việt Nam thường có phong tục tảo mộ thăm viếng gia tiên, ông bà sau đó tổ chức thắp hương làm lễ cúng gia tiên.

Mục đích chính của Tảo mộ là việc dọn dẹp mộ tổ tiên cho sạch sẽ, bồi đắp cho gọn gàng, ngăn nắp tránh cho cỏ dại, cây cối hay thú hoang, rắn rết làm ảnh hưởng đến sự an nghỉ của những người đã khuất. Đây là tục lệ đáng quý thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn năm nay của dân tộc ta.

Lễ Tảo Mộ - Tiết Thanh Minh
Lễ Tảo Mộ – Tiết Thanh Minh

Hội là Đạp Thanh (Giẫm Cỏ)

Hội Đạp Thanh
Hội Đạp Thanh

Hội Đạp Thanh hay còn được gọi là ngày nam nữ du xuân – đây có thể được coi là Ngày Lễ Tình Nhân phiên bản Á Đông bởi ngoài việc du xuân, đây cũng là cơ hội để nam thanh nữ tú được gặp gỡ, giao lưu trong những ngày đầu xuân năm mới.

5/5 - (4 bình chọn)
author-avatar

About Vietnam Minaco

Minaco Vietnam là tài khoản Digital của Minaco nơi chúng tôi cung cấp đến bạn và thế giới những thông tin hữu ích về kinh nghiệm văn phòng, kinh nghiệm vật tư và các thông tin cập nhật về "ngôi nhà Minaco"

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *