Bất cứ một doanh nghiệp nào hoạt động trên đất nước Việt Nam cũng đều phải nộp thuế, dù là hoạt động dựa trên loại hình doanh nghiệp nào. Trong bài viết này chúng mình sẽ hướng dẫn các bạn một số vấn đề về thuế mà doanh nghiệp nào cũng cần phải nắm vững. Cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa về thuế và các loại thuế phí phải nộp
Khái niệm
Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
Các loại thuế và lệ phí
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế này đánh vào thu nhập của doanh nghiệp. Là một loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên các khoản thu nhập của doanh nghiệp. Khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì chúng ta sẽ tính trên thu nhập chịu thuế đến từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
Thuế giá trị gia tăng
Tại điều 2, Luật Thuế gia trị gia tăng năm 2008 quy đinh: “Thuế giá trị gia tăng là khoản thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Như vậy, thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Đối với loại thuế này, doanh nghiệp không phải là đối tượng chịu thuế. Người tiêu dùng mới là đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng.
Xem thêm: Thuế giá trị gia tăng là gì? Căn cứ xác định thuế giá trị gia tăng
Thuế thu nhập cá nhân của người lao động Việt Nam và người lao động nước ngoài
Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ. Đây cũng không phải là loại thuế mà doanh nghiệp phải chịu, nhưng doanh nghiệp phải tính toán, kê khai và nộp thuế.
Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là khoản tiền phải nộp định kỳ hàng năm hoặc khi mới ra sản xuất, kinh doanh dựa trên số vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu của năm (đối với hộ, cá nhân kinh doanh).
Tùy vào loại hình doanh nghiệp mà các doanh nghiệp có thể gặp các loại thuế sau:
- Thuế chuyển nhượng vốn
- Thuế xuất khẩu
- Thuế nhập khẩu
- Thuế tiêu thụ đặc biệt
- Thuế môi trường
Ngoài ra còn một số loại thuế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Xem thêm: Kiến thức cần biết về lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh
Những điều cần biết về đăng ký thuế và mã số thuế
Đăng ký thuế
Người nộp thuế là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bao gồm cả nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ về thuế, phải thực hiện kê khai với cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh các thông tin cơ bản của người nộp thuế.
Người nộp thuế là doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế theo luật doanh nghiệp. Theo đó mã số doanh nghiệp chính là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của doanh nghiệp.
Mã số thuế
– Mã số thuế doanh nghiệp gồm 10 chữ số. Đối với mã số thuế 13 chữ số dùng cho đơn vị phụ thuộc.
– Doanh nghiệp được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
- Người nộp thuế có chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế thì được cấp mã số thuế phụ thuộc.
- Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị phụ thuộc thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một nửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh, thì mã số ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là mã số thuế.
Những lưu ý về khai thuế, tính thuế
– Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
– Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của chính phủ.
– Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết thủ tục kê khai thuế
Kỳ khai thuế
- Khai thuế theo tháng, quý, năm.
- Khai thuế khi có sự thay đổi như chia, tách, sát nhập, giải thể, phá sản…
- Khai thuế theo từng lần phát sinh
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và quyết toán thuế
- Đối với hồ sơ khai thuế tháng: chậm nhất ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với hồ sơ khai thuế quý, tạm tính theo quý: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với hồ sơ khai thuế năm: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. (Luật quản lý thuế số 38/2019).
- Đối với hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh: chậm nhất là ngày thứ 10, kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
Nộp thuế
– Người nộp thuế theo phương pháp kê khai, tính thuế thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp thì tạm nộp theo quý, thời gian nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
– Ngày nộp tiền thuế là căn cứ để tính thời gian nộp chậm tiền thuế (kể từ ngày hết hạn nộp thuế đến ngày thực nộp tiền thuế).
– Số tiền thuế phải nộp căn cứ vào tờ khai đã được chấp nhận, nếu bị ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
– Người nộp thuế có quyền để lại bù trừ vào nghĩa vụ thuế của các loại thuế phải nộp khác hoặc vào kỳ tính thuế tiếp theo, hoặc được hoàn thuế.
Một số điểm mới về quyền của người nộp thuế được quy định tại luật quản lý thuế số 38/2019/QH14
Tại luật này có một số điểm mới có lợi cho người nộp thuế, bao gồm:
– Người nộp thuế được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (Điều 16.2)
– Người nộp thuế được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn (Điều 16.5).
– Người nộp thuế được nhận quyết định xử lý về thuế, biên bản kiểm tra thuế, thanh tra thuế, được yêu cầu giải thích nội dung quyết định xử lý về thuế (Điều 16.7)
– Người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (Điều 16.11).
– Người nộp thuế được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế và gửi đến cổng thông tin điện từ của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và của pháp luật về giao dịch điện tử (Điều 16.13).
– Người nộp thuế được sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan (Điều 16.14)
Xem thêm: Hướng dẫn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chi tiết nhất
Kết luận
Vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu một số vấn đề chung về thuế. Có thể thấy thuế là một khoản thu quan trọng và bắt buộc, đi kèm với thuế là những quy định chặt chẽ về thuế.