1. Brainstorm là gì?
Brainstorm hay brainstorming có thể hiểu là động não trong tiếng Việt. Đây là phương pháp được dùng để khai thác và xây dựng những sáng kiến cho một vấn đề. Ví dụ như bạn chợt nảy ra một ý tưởng mới cho việc thiết kế phòng ngủ của mình ở nơi nào đó thì đó chính là brainstorm.
Có rất nhiều định nghĩa về brainstorm hay brainstorming. Bởi vì “bão não” được áp dụng trong những lĩnh vực khác nhau nên nếu bạn tìm hiểu thì định nghĩa brainstorming có thể khác nhau đôi chút. Tuy vậy, bản chất của phương pháp này thì không có sự thay đổi và vô cùng đơn giản.
Theo Interaction Design Foundation – tổ chức chuyên về thiết kế trải nghiệm người dùng (UI/UX): “Brainstorming is a method design teams use to generate ideas to solve clearly defined design problems. In controlled conditions and a free-thinking environment, teams approach a problem by such means as “How Might We” questions. They produce a vast array of ideas and draw links between them to find potential solutions.”
Dịch nghĩa: “Brainstorming là một phương pháp mà đội ngũ thiết kế sử dụng để phát triển ý tưởng nhằm giải quyết những vấn đề đã được xác định từ trước. Họ tiếp cận một vấn đề thông qua việc đặt các câu hỏi, chẳng hạn như “Chúng ta có thể làm như thế nào?” trong điều kiện được kiểm soát hoặc môi trường tự do suy nghĩ. Họ sản xuất ra hàng loạt những ý tưởng và liên kết chúng lại với nhau để tìm ra những giải pháp tiềm năng.” (Theo Glints.com)
Phương pháp brainstorm có thể được thực hiện bởi một người hoặc một nhóm người. Vậy nên, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vai trò của “bão não” với làm việc cá nhân và nhóm nhé!
2. Tìm hiểu nguồn gốc của của phương pháp brainstorm
Từ “brainstorm” được sáng tạo bởi ông trùm ngành quảng cáo Alex Faickney Osborn. Brainstorming được ông đề cập trong cuốn sách “Applied Imagination” xuất bản năm 1953.
Trong cuốn sách này, ông mô tả brainstorm là một phương pháp hội ý được thực hiện bởi một nhóm người để tìm ra giải pháp cho vấn đề của họ. Bằng cách tổng hợp các ý kiến của tất cả thành viên nảy sinh trong cùng khoảng thời gian nhất định.
Sau này, Charles Hutchison Clark tiếp tục phát triển kỹ thuật này. Brainstorm được áp dụng rất nhiều trong giảng dạy và nhiều lĩnh vực khác nhau khi cần giải quyết vấn đề hay tìm đáp án cho câu hỏi nào đó.
3. Vai trò của brainstorm trong làm việc nhóm và cá nhân
3.1 Brainstorm theo nhóm
Brainstorm nhóm là cách mà “cha đẻ” của phương pháp này – Alex Osborn đã đề cập đầu tiên. Có thể nói brainstorm khá quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong môi trường học tập và làm việc.
Khi nhóm bạn cần thảo luận để tìm ra ý tưởng cho buổi thuyết trình hay chiến dịch nào đó thì đây là lúc brainstorm được dùng đến. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều dưới đây:
+ Thời điểm để tiến hành brainstorming rất quan trọng. Bởi vì nếu đang trong trạng thái tinh thần và thể chất không tốt thì bạn cũng sẽ không muốn suy nghĩ gì đúng không? Nên cũng đừng bắt đồng nghiệp hay cấp dưới của bạn phải làm như thế. Hãy dành khoảng 30 – 60 phút trong thời gian mà mọi người có nhiều năng lượng tích cực nhất.
+ Địa điểm cũng quan trọng không kém thời điểm. Thông thường, các công ty sẽ có phòng họp cách âm và đây là nơi lý tưởng. Hoặc bạn hãy chọn một nơi yên tĩnh để tránh những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình “động não”. Nếu được hãy tạm thời rời xa những thiết bị điện tử nhé!
+ Ghi chép và lưu giữ những ý tưởng của từng thành viên là điều cần thiết. Hãy ghi lại tất cả ý tưởng nảy sinh sau quá trình brainstorming rồi cả nhóm sẽ có tư liệu để cùng thảo luận và tìm ra ý tưởng tốt nhất.
+ Tôn trọng và lắng nghe bình luận, đóng góp của tất cả mọi người trong nhóm.
+ Khi cùng nhau brainstorm sẽ có những người dễ dàng chia sẻ ý kiến cũng có người không. Điều bạn cần làm với tư cách là trưởng nhóm là khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người nêu lên ý kiến của mình.
Brainstorm nhóm chính là lúc mà những ý tưởng lớn (big idea) được tạo nên. Vậy nên, hãy tận dụng cơ hội này để làm việc thật hiệu quả nhé!
3.2 Brainstorm cá nhân
Brainstorm là điều chúng ta trải nghiệm thường xuyên khi cần tìm ra đáp án cho câu hỏi nào đó. Vậy nên, khi động não một mình, bạn nên chú ý một số chỉ dẫn sau:
+ Lựa chọn địa điểm yên tĩnh và không bị quấy rầy bởi bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Điều này sẽ giúp bạn tập trung “bão não” hơn.
+ Thả lỏng cơ thể và đặt trọng tâm vào vấn đề đang cần giải quyết. Điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu kỹ những vấn đề/bài toán đang gặp phải để nắm được các yếu tố liên quan. Qua đó, bạn sẽ dễ dàng sâu chuỗi điểm liên quan, gợi ý và “brainstorm” ra câu hỏi. Brainstorming kết hợp sự chuẩn bị và nghiên cứu trước đó là hiệu quả nhất.
+ “Cởi mở” với những ý tưởng và suy nghĩ của bản thân. Mọi ý tưởng lóe lên trong đầu bạn đều quan trọng và đáng được ghi chú lại. Bạn sẽ bất ngờ nếu những idea tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại tạo nên sự thay đổi lớn thế nào đâu.
+ Ghi chép lại tất cả những ý tưởng của bạn. Sau đó, tiếp tục phân tích, lồng ghép và phát triển chúng để cho ra một ý tưởng tốt nhất.
Lời kết,
Brainstorm được áp dụng không chỉ học tập mà còn là phương pháp thúc đẩy phát triển tư duy và mang lại những cách thức làm việc sáng tạo. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu về phương pháp “bão não” nhé!